Quốc lộ 51 là 1 trong những tuyến đường quan trọng tại Việt Nam. Quốc lộ 51 khởi đầu tại thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và kết thúc tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Quốc lộ 51: tuyến đường chính đi qua Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu
Quốc lộ bắt đầu tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Khi qua địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì Quốc lộ 51 sẽ đi qua: thị xã Phú Mỹ (huyện Tân Thành cũ), thành phố Bà Rịa và điểm cuối sẽ nằm tại thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu). Quốc lộ 51 chính là một phần của đường Xuyên Á số 17 (AH17). Toàn tuyến quốc lộ dài 86 km trong đó đoạn đi qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dài 49 km.
Mặt khác, Quốc lộ 51 đi qua thị xã Phú Mỹ có chiều dài 23 km và đi qua các địa phương: phường Mỹ Xuân, phường Phú Mỹ, phường Tân Phước, phường Phước Hòa, xã Tân Hòa và xã Tân Hải.
Trên trục đường này có 3 trạm thu phí bao gồm: 1 trạm ở ngã ba Thái Lan, TP Biên Hòa (Đồng Nai), 1 trạm ở xã Long An, huyện Long Thành và một trạm ở xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ (BRVT).
Quốc lộ 51 được đầu tư mở rộng lên tới hơn 3200 tỷ đồng
Được biết, ngày 2/8/2009, dự án mở rộng Quốc lộ 51 lên đến 8 làn xe đã được chính thức khởi công với tổng mức đầu tư lên đến 3200 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) – đại diện cho tổ hợp nhà đầu tư gồm Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), Tổng công ty Sông Đà, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) – đã ký kết hợp đồng tín dụng với 6 ngân hàng thương mại về việc đầu tư xây dựng mở rộng quốc lộ 51 với tổng số vốn là 3.313 tỉ đồng.
Trong tổng vốn đầu tư để mở rộng dự án, số vốn của tổ hợp các nhà đầu tư chiếm 27,84%, còn vốn vay thương mại của các ngân hàng chiếm 72,16% (tương đương 2.390 tỉ đồng). Dự án sẽ được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) trong vòng 24 năm.
Quốc lộ 51 được đầu tư theo hình thức BOT
Dự án mở rộng quốc lộ 51 có tổng chiều dài 72,7 ki lô mét đi qua địa phận 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Điểm đầu của tuyến quốc lộ này nối với ngã 3 Vũng Tàu của tỉnh Đồng Nai và điểm cuối kết thúc tại eo Ông Từ, thị xã Bà Rịa.
Quốc lộ 51 được mở rộng theo tiêu chuẩn thiết kế đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, mặt cắt ngang đoạn thông thường rộng 32,9 mét gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp. Kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa trên nền cấp phối đá dăm. Dự án cũng sẽ cải tạo 22 cầu và xây dựng mới 10 cầu vượt dân sinh tại các khu đông dân cư.
Quốc lộ 51 sau khi được hoàn thành đã đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa của cảng Thị Vải- Cái Mép và các khu công nghiệp dọc tuyến đường này. Bên cạnh đó, cùng với đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, Quốc lộ 51 cũng đã và đang góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cảng Cái Mép – Thị Vải, định hướng xây dựng cảng biển quốc tế hàng đầu khu vực ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp quốc lộ 51 được nghiệm thu đưa vào thu phí từ tháng 4-2013. Thời gian thu phí là 20 năm 6 tháng (từ ngày 1-7-2009, tính luôn cả phần tiếp quản dự án cũ). Thiết kế của đường là cấp III đồng bằng, với lưu lượng xe bình quân là 10.000 lượt/ngày bình thường và 30.000 lượt/ngày đêm vào ngày cao điểm. Thế nhưng, do các khu công nghiệp (KCN) ở Đồng Nai, BRVT mở ra nhiều, cùng sự ra đời của tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (nhất là đoạn TPHCM – Long Thành) đã làm lượng xe tăng quá nhanh và nhanh chóng vượt con số thiết kế.
Theo số liệu của Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC), năm 2018, lưu lượng xe qua trạm T2 đạt bình quân 38.000 lượt/ngày đêm. Năm 2019, lưu lượng xe tiếp tục tăng. Tháng cao nhất là tháng 4 (có kỳ nghỉ lễ), bình quân 40.164 lượt/ngày đêm và bằng 4 lần con số thiết kế. Trong đó, trong các ngày cao điểm là 13-4 và 27-4, lượng xe qua trạm đã đạt hơn 48.000 lượt/ngày đêm.
Quốc lộ 51 luôn trong tình trạng kẹt cứng
Trước đây trên tuyến quốc lộ 51, tình trạng ùn tắc, kẹt xe chỉ xảy ra vào các ngày thứ bảy, chủ nhật. Nhưng hiện nay chỉ cần có vụ tai nạn xảy ra là có thể gây kẹt xe kéo dài. Trong thời gian tới, khi cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép – Thị Vải tăng công suất khai thác, cộng thêm tổ hợp hóa dầu Long Sơn đi vào hoạt động thì tình trạng quá tải, kẹt xe trên quốc lộ 51 sẽ còn khủng khiếp hơn. Có thể nói, việc làm đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu hiện trở nên rất cấp bách hơn bao giờ hết.
Lãnh đạo các tỉnh (trong đó có BRVT) đã nhiều lần kiến nghị Trung ương sớm đầu tư đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và đường sắt Trảng Bom – Vũng Tàu để gánh bớt lưu lượng hàng hóa cho đường bộ, nhất là cho tuyến quốc lộ 51. Đồng thời, để có thể triển khai sớm con đường, Trung ương nên giao cho UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quản lý dự án.
Để làm được điều này cần phải có cơ chế về vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia vào dự án. Bên cạnh đó, chọn các doanh nghiệp có năng lực về tài chính lẫn kinh nghiệm chuyên môn hoặc có quy định về số vốn tối thiểu của các doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án. Điều này nhằm để tránh thời gian thu phí kéo dài, mức thu cao, cùng các hệ lụy về xã hội như một số dự án BOT giao thông đang gặp phải.