Cao tốc Biên Hòa Vũng Tàu – Tin tức cập nhật mới nhất tháng 10/2020

Tiến độ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu hiện nay đến đâu? Quy mô dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu? Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu ảnh hưởng gì đến kế hoạch thúc đẩy cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu? Datnendep.vn xin tổng hợp một số thông tin mới nhất về tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tháng 10/2020 (BRVT) để quý khách hàng tham khảo đầu tư.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu

Tổng quan dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu

Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (ký hiệu toàn tuyến là CT 13) là dự án đường cao tốc tại miền Đông Nam Bộ Việt Nam. Đường cao tốc này khi hoàn thành dự kiến sẽ nối Đồng Nai với Bà Rịa – Vũng Tàu.

Dự án có điểm đầu tại tuyến Võ Nguyên Giáp thuộc phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đi qua địa bàn các xã, phường: Phước Tân, Tam Phước (thành phố Biên Hòa), An Phước, Long Đức, Lộc An, Long An, Long Phước, Phước Thái (huyện Long Thành) của tỉnh Đồng Nai; Mỹ Xuân, Phú Mỹ, Tóc Tiên, Châu Pha (thị xã Phú Mỹ), Long Hương (thành phố Bà Rịa), phường 12 (thành phố Vũng Tàu) của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), và điểm cuối là nút giao thông Ông Từ thuộc phường 12, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 

Dự án do liên danh bao gồm Tổng công ty IDICO, Tổng công ty Sông Đà và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam làm chủ đầu tư. Liên danh này đã thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) để quản lý và thực hiện dự án.

Xem thêm bài viết khác tại: Review toàn cảnh cảng Cái Mép và hệ thống giao thông Phú Mỹ (BRVT)

Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Tuyến đường giao thông trọng điểm của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu: Tuyến đường giao thông trọng điểm của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

Quy mô dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu

Dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có tổng chiều dài toàn tuyến 77,8km. Bộ Giao thông – vận tải chia dự án làm 2 giai đoạn. Theo đó:

  • Giai đoạn 1 của dự án là đoạn Biên Hòa – Phú Mỹ dài 47 km với quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang 17m. Giai đoạn này bao gồm: 34,2km cao tốc phía Đồng Nai; 3,8km cao tốc phía Bà Rịa – Vũng Tàu; 8,8km đường cấp 3 đồng bằng nối vào cảng Cái Mép – Thị Vải phía Bà Rịa – Vũng Tàu. 

Cụ thể: điểm đầu giao với tuyến tránh Quốc Lộ 1 đoạn qua TP.Biên Hòa, cách ngã tư Vũng Tàu 6,5km về phía Bắc; điểm cuối kết nối nhánh đường vào Cảng Cái Mép – Thị Vải; chiều dài đoạn qua tỉnh Đồng Nai 34,2km và 12,6km chạy qua Bà Rịa – Vũng Tàu (gồm 3,8km đường cao tốc và 8,8km tuyến nhánh nối vào Cảng Cái Mép – Thị Vải).

  • Giai đoạn 2 của dự án có phạm vi giống giai đoạn 1 với quy mô mở rộng theo quy hoạch 6 – 8 làn xe. Từ TX.Phú Mỹ đến TP.Vũng Tàu (31km). Dự kiến đường cao tốc khi hoàn thành sẽ có 6 làn xe (giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe) và thời gian thu phí cho giai đoạn 1 là 23 năm.

Xem thêm bài viết khác tại: [Tin tổng hợp] Đầu tư Hạ tầng giao thông ở Bà Rịa – Vũng Tàu

Hệ thống giao thông ở Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu)
Hệ thống giao thông ở Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu)

Tiến độ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu hiện nay đến đâu?

  • Năm 2010, Bộ Giao thông vận tải được Chính phủ giao quyền phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
  • Ngày 30/12/2014, do xét thấy dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có chi phí khá lớn nên đơn vị tư vấn giám sát (PMU 85 thuộc Bộ Giao thông vận tải) đã đề xuất phân kỳ đầu tư thành 4 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 ưu tiên xây dựng 47 km cao tốc từ Biên Hòa – Quốc lộ 51 quy mô 4 làn xe trước. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này là 7.605 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vì không xác định được nguồn vốn đầu tư và phương án đầu tư không khả thi nên nhà đầu tư đã quyết định trả lại dự án cho Bộ Giao thông vận tải. Tháng 6/2015, BVEC đã chính thức bàn giao lại hồ sơ dự án cho Bộ Giao thông vận tải.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trong bản đồ giao thông vùng Đông Nam bộ
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu trong bản đồ giao thông vùng Đông Nam bộ
  • Tháng 7/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý chấm dứt đầu tự dự án của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC).
  • Ngày 8/2/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đồng ý đề nghị của Bộ Giao thông – vận tải về việc triển khai dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, trong đó 47 km được triển khai trước, sẽ giải quyết tình trạng quá tải quốc lộ 51 với tổng mức đầu tư khoảng 9.222,8 tỷ đồng theo hình thức BOT, trễ nhất đến năm 2020 sẽ chính thức khởi công xây dựng. 

Dự kiến thời gian thi công giai đoạn 1 là 24 tháng. Việc đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, thi công xây dựng trong giai đoạn 2021-2025. Đối với dự án thành phần 2 sẽ được tách thành dự án riêng và giao UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức đầu tư.

Bản đồ hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Bản đồ hướng tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu
  • Ngày 26/08/2020, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai quyết định thống nhất phương án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

Cụ thể tại Phòng họp Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã chủ trì buổi làm việc vói UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về dự án cáo tốc Biên Hoà – Vũng Tàu và dự án cầu Phước An.

Tham dự buổi làm việc có đại diện các Sở, ngành, địa phương phía tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai.

Văn bản chủ trương tạm ứng ngân sách tỉnh năm 2020 của tỉnh BRVT để chi trả chi phí cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Văn bản chủ trương tạm ứng ngân sách tỉnh năm 2020 của tỉnh BRVT để chi trả chi phí cho cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu

Sau khi nghe đơn vị tư vấn, Sở Giao thông vận tải Đồng Nai, Sở Giao thông vận tải Bà Rịa – Vũng Tàu, Ban Quản lý Dự án Giao thông Khu vực đường Liên cảng Cái Mép – Thị Vải báo cáo tình hình triển khai dự án đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu và dự án cầu Phước An, ý kiến của các thành viên tham dự buổi làm việc, ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Lê Tuấn Quốc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng kết luận như sau:

a) Thống nhất phân chia dự án đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu thành 2 đoạn

Đoạn 1 từ Biên Hòa đến TX. Phú Mỹ và nhánh nối vào cảng Cái Mép – Thị Vải được đầu tư theo hình thức PPP với mức đầu tư 15.633 tỷ đồng

Đoạn 2 từ Phú Mỹ đến Vũng Vằn có mức đầu tư khoảng 8.060 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

b) Sở Giao thông vận tải Đồng Nai phối hợp với Sở Giao thông vận tải Bà Rịa – Vũng Tàu vùng đơn vị tư vấn

Rà soát, nghiên cứu, thống nhất hướng tuyến, các vị trí nút giao, cầu vượt, đường gom dân sinh dọc 02 bên tuyến, báo cáo, đề xuất, tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định. Rà soát quy mô, nguồn vốn, hình thức đầu tư, trình UBND tỉnh lấy ý kiến Bộ Giao thông vận tải trước khi trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

c) Sở giao thông vận tải làm đầu mối, tổ chức nghiên cứu, thực hiện dự án, chủ trì làm việc với các nhà đầu tư có văn bản tham gia thực hiện dự án theo hình thức BOT để các nhà đầu tư tính toán khả năng về phương án đầu tư thực hiện dự án.

Kho bãi cảng Cái Mép Hạ
Kho bãi cảng Cái Mép Hạ

Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu ảnh hưởng gì đến kế hoạch thúc đẩy cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu?

Ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và hiệu quả của cụm cảng Cái Mép – Thị Vải

Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có đặc trưng đầy đủ của kinh tế biển Việt Nam và với ưu thế cảng container nước sâu. Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định cảng biển vẫn là một trong bốn trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh này cùng với công nghiệp, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. 

Cụ thể, trong nhiệm kỳ vừa qua, Cái Mép – Thị Vải (thị xã Phú Mỹ) thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới với lượng hàng qua cảng đạt gần 9%/năm, tàu container cập cảng ở đây từ 9 chuyến/tuần vào năm 2015 tăng lên 24 chuyến/tuần vào năm 2020. 

Đáng chú ý, Cái Mép – Thị Vải là một trong 21 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 200.000 tấn.

Cao tốc BIÊN HÒA - VŨNG TÀU đóng vai trò quan trọng để kết nối Đồng Nai và cảng container nước sâu. Trong ảnh là một góc cảng Cái Mép - Thị Vải - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Cao tốc BIÊN HÒA – VŨNG TÀU đóng vai trò quan trọng để kết nối Đồng Nai và cảng container nước sâu. Trong ảnh là một góc cảng Cái Mép – Thị Vải – Ảnh: ĐÔNG HÀ

Báo cáo chính trị của tỉnh này cũng nhìn nhận hàng hóa thông qua cảng biển tăng cao nhưng lượng hàng container cũng mới chỉ đạt 53% công suất thiết kế. Nguyên nhân là do các dự án hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như cầu Phước An, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu triển khai chậm, “hệ sinh thái” cho dịch vụ logistics còn ít,… 

→ Việc này đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và hiệu quả của cụm cảng container nước sâu Cái Mép – Thị Vải.

Do đó, trong nhiệm kỳ tới, Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục kế thừa và phát triển cảng biển, trong đó tập trung đầu tư và hoàn thiện hạ tầng với những dự án lớn kết nối đa phương thức, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Trước đại hội VII, những khó khăn, vướng mắc của dự án giao thông kết nối lớn như cầu Phước An, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã được tháo gỡ. Đáng chú ý, mới đây, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, các nhà đầu tư của Liên minh châu Âu mong muốn được đầu tư 1 tỉ USD vào dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ (thị xã Phú Mỹ).

Nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu về hệ thống giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu về hệ thống giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ – Ảnh: ĐÔNG HÀ

Ảnh hưởng đến tốc độ lưu thông hàng hóa của cảng biển và các khu công nghiệp

Từ Biên Hòa xuống Vũng Tàu hiện chỉ có QL51 và đã mãn tải từ mấy năm nay. Theo ghi nhận từ mấy năm trở lại đây, con đường này thường xuyên xảy ra ùn ứ và kẹt xe.

Ông Đinh Hồng Hà, tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) – chủ đầu tư dự án BOT mở rộng quốc lộ 51, cho biết công suất thiết kế chỉ 13.000 lượt xe/ngày đêm nhưng hiện tại con đường này phải “gánh” gần 35.000 lượt.

→ Do đó, áp lực giao thông lên quốc lộ 51 hiện tại là rất lớn bởi và rất cần có cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu song song để chia sẻ áp lực và đặc biệt để hàng hóa lưu thông nhanh, cảng biển hoạt động hết công suất, các khu công nghiệp được lấp đầy.

“Có cao tốc song song cùng với quốc lộ 51 thì những lợi thế về công nghiệp của Đồng Nai và cảng biển của Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ hỗ trợ phát triển cho nhau nhiều hơn, để trở thành hai tỉnh “công nghiệp – cảng biển” mạnh hơn nữa”, ông Hà nói.

Xe cộ ùn ứ tại quốc lộ 51 - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Xe cộ ùn ứ tại quốc lộ 51 – Ảnh: ĐÔNG HÀ

Ảnh hưởng đến sự phát triển cảng biển, logistics, dịch vụ hậu cần cảng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đặt ra mục tiêu: Đến năm 2020 có khoảng 18 nhà khai thác cảng và 219 DN dịch vụ logistics, doanh thu trung bình dịch vụ cảng biển đạt 809 tỷ đồng/năm, dịch vụ logistics đạt 361 tỷ đồng/năm; đóng góp 93.839 tỷ đồng vào GDP chung, chiếm tỷ lệ 47,3% trong nhóm ngành dịch vụ. Tới năm 2020, đáp ứng hiệu quả nhu cầu dịch vụ của 522 DN công nghiệp – xây dựng, các DN này có mức doanh thu trung bình là 1.883 tỷ đồng/năm và đóng góp tổng giá trị sản xuất 982.773 tỷ đồng vào GDP của tỉnh.

Theo Sở GT-VT, toàn tỉnh hiện có 20 dự án kho bãi logistics với 150 DN đang hoạt động. Có 10 dự án đang triển khai xây dựng với tổng diện tích khoảng 42ha. Các dự án này tập trung trên địa bàn TX. Phú Mỹ và phục vụ chủ yếu cho hàng tổng hợp, hàng rời và nông sản.

Điều đặc biệt tạo nên sự hấp dẫn và phát triển mạnh mẽ cho dịch vụ logistics của tỉnh là khoảng cách từ các KCN đến cảng biển chỉ từ 2-5km nên DN xuất nhập khẩu hàng hóa tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí. Sản lượng hàng hóa tăng trưởng đột biến nhất trong những năm gần đây là than nhập khẩu và nông sản. Song song với việc gia tăng sản lượng hàng hóa thì dịch vụ logistics cũng phát triển mạnh mẽ. Một số dự án lớn đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động như Tổ hợp hóa dầu Miền Nam và dự án hóa chất Hyosung cũng tạo ra nhiều cơ hội cho dịch vụ logistics.

Tuy nhiên, hầu hết các DN logistics trên địa bàn tỉnh mới chỉ đáp ứng được vài dịch vụ đơn lẻ, nhỏ hẹp như gom hàng, lưu kho, thủ tục hải quan… Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong việc cung cấp thông tin thị trường, thông tin khách hàng, do đó, hoạt động kinh doanh chưa đạt hiệu quả cao. Do đó, BR-VT đang tập trung nguồn lực, với các giải pháp như kêu gọi đầu tư vào logistics, quy hoạch hệ thống kho bãi, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về hải quan tại cảng, hoàn chỉnh hạ tầng… để xây dựng và phát triển một trung tâm logistics thực thụ, xứng tầm.

Tàu container trọng tải gần 200.000 tấn cập cảng Cái Mép - Thị Vải - Ảnh: Đ.H.
Tàu container trọng tải gần 200.000 tấn cập cảng Cái Mép – Thị Vải – Ảnh: Đ.H.

Trước thực trạng đó, theo ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GT-VT, đi kèm sự lớn mạnh của cảng biển, theo định hướng, BR-VT sẽ xây dựng Trung tâm dịch vụ logistics của cả nước và khu vực, đạt trình độ quốc tế, phục vụ và kết nối với các trung tâm trong khu vực Đông Nam Á.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh cần phải tiếp tục ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông để tạo sự kết nối đồng bộ giữa hệ thống cảng với các tuyến quốc lộ, các trục đường chính đến các trung tâm, các nguồn hàng trong khu vực. Cụ thể, các tuyến đường như QL51, đường 965, đường Phước Hòa – Cái Mép, đường 991B, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An… nối khu cảng CM-TV với các trung tâm của vùng TP. Hồ Chí Minh theo kế hoạch sẽ được đầu tư và mở rộng.

Đồng thời, nghiên cứu hình thành khu thương mại sau cảng, quy hoạch các khu chức năng gồm: khu phi thuế quan, kho bãi; trung tâm phân phối; trung tâm kiểm tra chuyên ngành (tập trung các cơ quan kiểm tra về chất lượng, y tế, văn hóa, kiểm dịch động, thực vật, an toàn thực phẩm)… để phát huy vai trò cảng đầu mối trung chuyển quốc tế.

→ Đây là dự án phức hợp, khép kín và cần có sự phối hợp đặc biệt của hạ tầng giao thông, trong đó một trong những dự án quan trọng nhất là cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Khi đi vào hoạt động, đây được kỳ vọng sẽ trở thành “bệ phóng” cho BR-VT trở thành trung tâm logistics và trung chuyển của khu vực.

TÓM TẮT CÁC THÔNG TIN

Quy mô dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu ra sao?

Có tổng chiều dài toàn tuyến 77,8 km và bao gồm 2 giai đoạn.

Các tuyến đường giao thông trọng điểm ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu?

Đường Long Sơn – Cái Mép, Cao tốc Biên Hòa – Vũng TàuQuốc lộ 56 – tuyến tránh TP Bà Rịa, đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải, đường Vành Đai 4,…

Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu ảnh hưởng gì đến kế hoạch thúc đẩy cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu?

Ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và hiệu quả của cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, tốc độ lưu thông hàng hóa của cảng biển và các khu công nghiệp,…